Công nghệ sinh học - “Cách tay đắc lực” của nông nghiệp công nghệ cao
Cùng với sự phát triển của xã hội và sản xuất công nghiệp là các vấn đề cấp thiết về môi trường, thực phẩm, nông nghiệp… ngày một tăng cao. Hàng loạt các trung tâm nghiên cứu ra đời để xử lý các vấn đề trên và kết hợp với những lợi thế trang thiết bị hiện đại, công nghệ sinh học được xem là ‘cánh tay đắc lực’ trong nền nông nghiệp công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nền nông nghiệp công nghệ cao
Tại Sơn La đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) như:
- Chọn tạo được các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Sử dụng truyền giống nhân tạo cho đàn lợn, bò;
- Áp dụng công nghệ nuôi cấy mô (chuối, hoa lan, dược liệu…);
- Ủ phân hữu cơ vi sinh, chế biến và dự trữ thức ăn trong chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm;
- Các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thực vật, xử lý chất thải môi trường trong chăn nuôi;
- Ứng dụng công nghệ Nano trong sản xuất ngô giống để tăng tỷ lệ nảy mầm;
- Các mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, cỏ cũng được nhân rộng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực thủy sản như:
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện được tỉnh triển khai rộng rãi
- Một số đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh sản xuất thành công giống cá lăng chấm, chép lai 3 máu, rô phi siêu đực và một số thủy sản đặc sản để đưa ra nuôi thương phẩm, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish trong nuôi tôm
Tại Quảng Ninh, Hội ND Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và một số hộ gia đình đã triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish.
Theo đó, chế phẩm sinh học Biowish được dùng để bổ sung cho thức ăn. Hơn nữa, trong quá trình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học Biowish sẽ không sử dụng hóa chất, tôm đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, không dư lượng hóa chất, không tồn dư các chất có hại.
Ưu điểm của chế phẩm sinh học Biowish là không chỉ giúp nâng cao sức khỏe cho tôm mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường cho ao nuôi và cả khu vực nuôi. Thực tế, ao có diện tích 3.000m2, tổng sản lượng đạt trên 3 tấn, doanh thu đạt gần 400 triệu đồng.
Phương pháp trồng rau thủy canh
Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã “bắt tay” vào việc trồng rau thủy canh. Điển hình như:
Cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 Green Farm của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Mạo Khê 188, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng sản xuất rau thủy canh trên 12 nhà giàn. Hơn 20 sản phẩm rau, củ, quả các loại của cơ sở được phân phối tại hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn cao cấp tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh với sản lượng trên 10 tấn/tháng.
Nghiên cứu và lai tạo nhiều giống cây trồng mới
Tại Đà Nẵng, Trung tâm CNSH – Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu và lai tạo ra nhiều giống hoa lan mới với màu sắc sặc sỡ như trắng, cam, tím; nhiều loại cây giống khai thác từ cây mẹ là cây nuôi cấy mô sạch bệnh… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Trung tâm còn tập trung hoàn thiện các dự án hoa chậu, hoa thảm, hoa thương phẩm; ứng dụng quy trình sản xuất giống và kỹ thuật canh tác các loài hoa lan dendro, hoa cát tường, hoa lily; các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sản xuất giống trong điều kiện nhà lưới, nhà màn chống côn trùng; ứng dụng các vật liệu mới, kỹ thuật tưới nước phun sương, nhỏ giọt, kỹ thuật bảo quản lạnh, bảo quản mát giống và hoa thương phẩm… để cung cấp cho nông dân tại địa phương.
Nhiều loại cây hoa giống như cúc vàng hòe, cúc lá nhám, lily đã được Trung tâm CNSH thực hiện và cung cấp cho các hộ dân trồng hoa vùng Vân Dương (xã Hòa Liên), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Dương Sơn (xã Hòa Châu) và nhiều hộ trồng hoa tự phát theo hướng nông hộ.
Trong lĩnh vực nghiên cứu tạo giống, quy trình sản xuất cây dược liệu, trung tâm đã đạt nhiều thành tựu đáng kể như: Công nghệ nhân giống ba kích, hà thủ ô đỏ, đinh lăng, mật nhân, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo. Về cây ăn quả có chuối, phúc bồn tử…, cây hoa có lan kim tuyến, lan gấm…
Công nghệ sinh học được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực tại tỉnh An Giang
Tại An Giang, Trung tâm CNSH An Giang đã phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNSH trên nhiều lĩnh vực như: Giống cây trồng, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Điển hình như Trung tâm CNSH An Giang đã triển khai mô hình trồng cúc chậu theo công nghệ mới với 2 giống cúc pha lê và đại đóa. Cây giống trồng hoàn toàn là cây sạch bệnh và được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ưu điểm là đạt độ đồng đều cao, nhân giống với số lượng lớn trong thời gian ngắn, chống chịu sâu bệnh tốt…
Bên cạnh việc chuyển giao giống, trung tâm còn hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, nhất là việc bổ sung ánh sáng nhằm điều khiển cây ra hoa đúng dịp Tết, giúp bà con tăng thêm thu nhập.
Để cải tạo giống bò cái nền chất lượng, hiệu quả cho địa phương, Trung tâm CNSH An Giang đã xây dựng mô hình lai tạo giống thông qua gieo tinh nhân tạo, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng bò tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới, Phú Tân giúp người chăn nuôi nhận thức rõ hơn về hiệu quả của công tác lai tạo giống. Ngoài ra, trung tâm còn tạo ra các sản phẩm phục vụ chăn nuôi như: Kẹo dinh dưỡng, rơm ủ Urea… nhằm cung cấp Nitơ phi Protein, cung cấp năng lượng, muối khoáng, Vitamin, Can-xi… cần thiết cho gia súc.
Viện Cây ăn quả miền Nam đã tập trung vào việc nghiên cứu CNSH để phát triển các loài cây ăn quả đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Công nghệ nổi bật nhất của Viện là nhân giống cây có múi không bệnh với kỹ thuật ghép “shoot-tip”. Sử dụng kỹ thuật này, các nhà khoa học đã tạo ra những giống cây có múi có khả năng chống chọi với một số bệnh do vi rút gây ra. Viện đã chuyển giao nhiều giống cây trồng không bệnh có năng suất cao cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giúp bà con chủ động trong việc canh tác và thu hoạch.
Trên thế giới, CNSH đang phát triển trên cơ sở các kỹ thuật mới như: Di truyền, dung hợp tế bào, phản ứng sinh học (bao gồm kỹ thuật lên men, kỹ thuật enzym, thiết bị phản ứng sinh học), nuôi cấy mô, nuôi cấy tế bào, cấy chuyển phôi (embryotransplan-tation), cấy chuyển nhân (nucleustransplan-tation)…
Ứng dụng CNSH (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNSH vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Để khắc phục hạn chế này, trong thời gian tới, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển và ứng dụng CNSH; xây dựng nguồn nhân lực CNSH đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; đầu tư nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; ưu tiên phát triển công nghiệp CNSH thành một ngành kinh tế – kỹ thuật có đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế…